Chủ quan với chiếc răng khôn, cô gái đang mang bầu phải chấp nhận chấm dứt thai trong đau đớn

Ngày 19/11/2017 00:04 AM (GMT+7)

Bị mọc răng khôn khi đang mang bầu, cô gái chủ quan không đi thăm khám, đến khi đau không thể chịu được mới đến viện thì đã quá muộn.

Đang mang bầu đứa con thứ 2 được 6 tuần, chị Hoàng Thị Lan (24 tuổi, ở Hà Nội) bỗng dưng mọc chiếc răng khôn (răng số 8) ở hàm dưới, phía bên trái.

Dù rất đau đớn nhưng chị Lan cố chịu đựng không đi khám, không uống thuốc vì cho rằng sử dụng kháng sinh hoặc nhổ răng khi mang bầu sẽ ảnh hưởng đến cái thai trong bụng.

Sau 1 tuần chịu đựng đau đớn, khu vực chiếc răng khôn mọc sưng lên rất lớn, chị Lan đã ra một phòng khám tư nhân thăm khám và được được giới thiệu vào bệnh viện để điều trị.

Chủ quan với chiếc răng khôn, cô gái đang mang bầu phải chấp nhận chấm dứt thai trong đau đớn - 1

BS Bình đang xem phim X-quang của một bệnh nhân có răng số 8 mọc lệch.

Tại Bệnh viện Việt Nam Cu Ba (Hà Nội), chị Lan vô cùng sốc khi bác sĩ thông báo tình trạng bệnh của mình. Ths.BS Trần Phương Bình (khoa Phẫu thuật hàm mặt) cho biết, bệnh nhân Lan vào viện trong tình trạng rất nặng, miệng không thể há được do cứng hàm, má xuất hiện có lỗ thủng và có nhiều mủ chảy ra ở phía trong.

“Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thức ăn ứ đọng vào trong, lâu dần dẫn đến viêm nhiễm, sưng to, chảy mủ… Nặng hơn nữa, người bệnh bị áp xe cơ cắn, không há được miệng”, BS Bình cho hay.

Với tình trạng bệnh nặng, người bệnh lại đang mang thai nên các bác sĩ đã mời chuyên gia sản khoa đến để hội chẩn. Cuối cùng các bác sĩ đã quyết định phương án đình chỉ thai kỳ để điều trị cho người bệnh bởi nếu cố giữ thai, trong quá trình điều trị sẽ phải dùng thuốc gây mê, kháng sinh… Những loại thuốc này qua nhau thai sẽ làm ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng.

Chủ quan với chiếc răng khôn, cô gái đang mang bầu phải chấp nhận chấm dứt thai trong đau đớn - 2

Phụ nữ đang độ tuổi sinh đẻ cần hết sức chú ý khi mọc răng khôn.

Bệnh nhân sau đó được bơm rửa vết thương, gây mê để mổ dẫn lưu dịch mủ phía trong miệng, tiến hành nhổ chiếc răng số 8. Sau mổ, bệnh nhân tiếp tục điều trị kháng sinh liều cao 10 ngày mới dần dần bình phục và xuất viện.

Từ trường hợp trên, BS Bình cho rằng bất kể ai khi mọc răng khôn thấy đau, sưng thì phải đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt thăm khám.

Đặc biệt, đối với những người phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ, khi phát hiện răng khôn mọc lệch, mọc dưới lợi, mọc trong xương …thì cần phải được xử lý trước khi có ý định mang bầu để tránh những trường hợp đáng tiếc như trên.

>> XEM THÊM: Cô gái trẻ nguy kịch vì tự phá thai tại nhà và đặt que vào âm đạo để cầm máu

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những ca bệnh đặc biệt