Việt Nam đón mưa sao băng Orionids tuyệt đẹp vào rạng sáng mai

Ngày 20/10/2017 20:06 PM (GMT+7)

Những người yêu thích thiên văn có thể ngắm mưa sao băng Orionids tuyệt đẹp vào rạng sáng mai 21/10. Đây là trận mưa sao băng lớn trong năm.

Mưa sao băng Orionid diễn ra từ ngày 16/10 đến ngày 30/10 hằng năm, và năm nay đạt cực điểm vào rạng sáng ngày 21/10. Điều này nghĩa là bạn đã có thể quan sát mưa sao băng từ những đêm trước và sau cực điểm, nhưng với số lượng ít hơn so với thời gian đạt cực đại.

Đây là một cơn mưa sao băng trung bình, với tần suất khoảng 20 đến 30 vệt sao băng mỗi giờ vào lúc cực điểm. Năm nay không có sự xuất hiện của ánh sáng Mặt Trăng, để lại cho bạn cả bầu trời thật tối để quan sát mưa sao băng.

Việt Nam đón mưa sao băng Orionids tuyệt đẹp vào rạng sáng mai - 1

Orionid là một cơn mưa sao băng nhỏ với tần suất khoảng 25 vệt mỗi giờ vào lúc cực điểm. Ảnh: EarthSky.

Để quan sát mưa sao băng Orionid, hãy ra ngoài trời từ đêm 20/10 và nhìn về bầu trời hướng đông. Từ 22 giờ, chòm sao Orion là nơi có tâm điểm của mưa sao băng sẽ mọc dần lên ở đó. Sau nửa đêm, tâm điểm mưa sao băng sẽ cao khoảng 40 độ so với chân trời, và là lúc lý tưởng để quan sát mưa sao băng.

Tâm điểm của mưa sao băng Orionid nằm gần ngôi sao màu đỏ cam Betelgeuse của chòm sao Orion. Nhưng bạn cũng không cần thiết phải tìm ra được ngôi sao này, mà chỉ cần ngả lưng ra và quan sát vì các vệt sao băng sẽ xuất hiện từ khắp nơi trên bầu trời, và nhiều nhất là ở hướng đông.

Việt Nam đón mưa sao băng Orionids tuyệt đẹp vào rạng sáng mai - 2

Tâm điểm của mưa sao băng Orionid nằm gần ngôi sao Betelgeuse màu đỏ cam của chòm sao Orion. Ảnh: StarDate.

Mưa sao băng có thể quan sát bằng mắt thường, không cần phải sử dụng ống nhòm hay kính thiên văn bởi vì các vệt sao băng sẽ vút qua bầu trời rất nhanh.

Để quan sát được tốt, hãy về những nơi ngoại ô ít ánh sáng đèn thành phố, thời tiết tốt và không có mây mù che. Để mắt trong tối trước và trong quá trình quan sát, đừng sử dụng điện thoại bởi ánh sáng chói khiến mắt bị lóa, không quan sát được tốt và có gây hại cho mắt.

Quang Niên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hiện tượng thiên nhiên kỳ thú