Nỗi lòng người mẹ dắt con trai tâm thần đi xăm tên và số điện thoại để không bị lạc

Ngày 23/09/2017 10:35 AM (GMT+7)

Giới trẻ thường xăm mình để thể hiện cá tính, nhưng lại có một người con trai được mẹ đưa đi xăm mình để giúp anh không bị lạc.

“Xăm mình nhưng không phải để thể hiện cá tính” nghe thì có vẻ hơi ngược nhưng lại là câu chuyện có thật. Hình xăm trên tay anh Đinh Quốc Chiến (42 tuổi) – người bị bệnh tâm thần hơn 10 năm qua là một minh chứng. Bởi hình xăm ấy đơn giản chỉ là dòng tên, số điện thoại và địa chỉ gia đình vì mẹ sợ anh bị lạc mất khi anh đi lang thang khắp nơi.

Đưa con đi xăm mình để không lạc mất con

Tìm đến căn nhà nhỏ 14m2, nơi gia đình anh Chiến đang sinh sống trong một con ngõ nhỏ tại phố Hàng Khay (Hà Nội), tôi gặp được mẹ anh. Khi nghe tôi hỏi về hình xăm của anh Chiến, bà thở dài và nói rằng câu chuyện của gia đình bà chỉ toàn nỗi buồn.

Bà kể lại rằng, năm anh Chiến lên 4 tuổi, sau một lần bị sốt cao, co giật đã có những biểu hiện không bình thường, nhưng gia đình không nhận ra. Đến năm 5 tuổi, gia đình cho anh đi học thì bị cô giáo trả về với lý do “không chịu ngồi học mà cứ chạy ra ngoài đi lang thang”. Lúc ấy, gia đình mới phát hiện anh Chiến đã mắc bệnh về thần kinh.

Càng lớn, bệnh của anh Chiến càng biểu hiện nặng hơn, dù vẫn nhận ra bố mẹ, họ hàng nhưng anh Chiến không thể làm chủ được bản thân mà hay đi lang thang ngoài đường.

Nỗi lòng người mẹ dắt con trai tâm thần đi xăm tên và số điện thoại để không bị lạc - 1

Tuy cũng là hình xăm, nhưng hình xăm của anh Chiến đặc biệt hơn cả, vì nó chất chứa nỗi lòng của người mẹ. Ảnh minh hoạ

“Nó cứ đi lang thang ngoài đường, lúc thì nhảy xe khách đến tận Gia Lâm, Đông Anh, Hải Dương, Hải Phòng, Nghệ An… Nó cứ lên xe, đến khi người ta thu vé mà nó không có tiền thì họ đuổi xuống.

Dù nó bị bệnh thật nhưng dẫu sao cũng là con mình. Sợ con bị lạc nên sau khi được một đứa cháu góp ý, tôi quyết định đưa con đến tiệm xăm trên phố hàng Buồm để xăm lên tay trái của con tên, số địa thoại và địa chỉ nhà. Nhỡ có đi lạc thì người ta thấy họ cũng gọi điện hoặc viết thư báo về cho gia đình” – mẹ anh Chiến kể lại.

Nỗi buồn tiếp nối khi con trai thứ hai mắc bệnh tâm thần phân liệt

Trầm tư một lúc, mẹ anh Chiến mới tiếp tục câu chuyện nhưng thật bất ngờ khi bà cho biết, em trai anh Chiến năm nay 26 tuổi cũng phát hiện bị tâm thần phân liệt 7 năm nay. Có hai người con thì cả hai đều mắc bệnh, mọi hy vọng của hai vợ chồng bà đều bị dập tắt, nỗi buồn chồng chất nỗi buồn.

Bà cho biết, chồng bà bị tai biến mười mấy năm nay nên không thể ra ngoài kiếm thêm thu nhập. Cả gia đình 4 người 3 người bị bệnh tật, nhưng nguồn thu nhập chính chỉ trông chờ vào 2 triệu đồng tiền lương hưu của bà khiến nhiều lúc bà cảm thấy rất bế tắc.

Bà năm nay cũng đã 65 tuổi, sức khoẻ đã yếu đi nhiều nhưng hiện vẫn cố gắng đi làm bưng bê ở quán ăn gần nhà từ sáng đến 2 giờ chiều để có thêm đồng ra đồng vào.

“Cũng may là tôi được gia đình hai bên nội ngoại hỗ trợ nhiều, nếu không thì tôi cũng không biết phải xoay sở ra sao. Thằng Chiến nó hay đi lang thang nên 5 năm nay tôi không thể trông được, phải gửi con vào trại tâm thần, mỗi năm lên thăm được 1-2 lần. Còn đứa em thì không đi lang thang, chỉ là hay nói luyên thuyên, dễ nổi cáu. Hàng ngày cháu vẫn phụ tôi dọn dẹp nhà cửa, cơm nước nên tôi cũng không nỡ gửi con vào trại.

Tôi nhiều đêm mất ngủ vì lo lắng, sợ rằng khi hai vợ chồng tôi chết đi rồi, ai sẽ chăm sóc hai con. Nếu được lựa chọn một điều ước, tôi chỉ mong phép màu xảy đến cho con tôi được khoẻ mạnh bình thường như bao người khác. Có như vậy, vợ chồng tôi mới yên tâm mà nhắm mắt. Nhưng chắc là không thể rồi!”.

Minh Trang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động