Bị nước sôi đổ vào người, bé trai 2 tuổi bị lột từng mảng da từ ngực đến chân

Ngày 01/11/2017 10:41 AM (GMT+7)

Do sự bất cẩn của người lớn, bé T. đã với phải phích nước đang để ở trên bàn và bị đổ vào người gây bỏng nặng.

Bé Nguyễn Thành T. (2 tuổi, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) phải nhập viện trong tình trạng bỏng nước sôi, toàn bộ da trước ngực, bụng, hai tay và đùi trái  đều bị bỏng lột hết phần da bên ngoài.

Theo chia sẻ của người nhà, do bé T. mới biết đi nên thường hay khám phá các đồ vật trong nhà. Ngày 31/10, sau khi rót nước sôi vào phích, phụ huynh đã đặt ngay ở trên bàn mà chưa kịp cất.

Bị nước sôi đổ vào người, bé trai 2 tuổi bị lột từng mảng da từ ngực đến chân - 1

Cháu T. bị bỏng 36% cơ thể.

Thấy phích nước có màu sặc sỡ, bắt mắt… bé T. đưa tay lên để với lấy phích nước. Không may, phích nước rơi xuống và đổ toàn bộ nước sôi vào phần ngực, bụng và tay chân.

Thấy con kêu khóc thảm thiết, gia đình vội vàng sơ cứu bằng cách rửa vết bỏng dưới vòi nước mát, sau đó đưa bé T. đi cấp cứu.

Các bác sĩ cho biết, khi tiếp nhận trẻ bị bỏng nặng độ I,II, diện bỏng rộng 36% vùng ngực, bụng, 2 tay và đùi, tiên lượng nặng. Bé được chuyển thẳng lên phòng mổ cấp cứu.

Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành làm thủ thuật cắt lọc, loại bỏ dị vật vảy da trên cơ thể, vệ sinh những khu vực bị bỏng, tiến hành băng toàn bộ phần bị bỏng. Hiện tại sức khỏe toàn trạng bé T. ổn định, đang được theo dõi và chăm sóc đặc biệt tại khoa Gây mê hồi tỉnh bệnh viện.

Bị nước sôi đổ vào người, bé trai 2 tuổi bị lột từng mảng da từ ngực đến chân - 2

Hiện sức khỏe cháu T. đã qua cơn nguy kịch.

Bác sĩ Trịnh Trương Tuyên cho biết, trường hợp cháu Nguyễn Thành T. khi bị bỏng được người nhà chuyển viện sơ cứu đúng cách và đưa đi cấp cứu kịp thời nên việc điều trị gặp nhiều thuận lợi.

“Nhiều trẻ không được sơ cứu, không được đưa đến cơ sở y tế chữa trị kịp thời sẽ có thể dẫn vết thương nhiễm trùng, lâu lành, thành thương tật vĩnh viễn”, BS Tuyên nói.

BS Tuyên khuyến cáo các bậc phụ huynh phải tuyệt đối thận trong khi chăm sóc trẻ. Không treo hoặc để bất kỳ vật dụng nào phía trên vị trí đặt nôi hoặc giường cho bé nằm, không để phích nước sôi, ổ cắm điện trong tầm tay của trẻ.

Với những bé đã biết đi, tuyệt đối không cho xuống khu vực bếp nấu ăn vì lửa và thức ăn nóng luôn là hiểm họa không lường.

Khi trẻ không may bị bỏng, phụ huynh cần phải bình tĩnh đưa bé đến ngay vòi nước trong nhà xối rửa nhiều nước, để cho da bớt nóng, giảm diện tích da bị thương và giảm độ nặng của tổn thương bỏng.

Sau đó tuỳ tình trạng nặng hay nhẹ, diện tích bỏng lớn hay nhỏ, nhà ở gần bệnh viện hay ở xa bệnh viện để đưa các bé đến khám cho bác sĩ đánh giá tình trạng bỏng và có hướng xử trí thích hợp.

>>Xem thêm: Bé 17 tháng tuổi bị bỏng nặng do ấm nước pha trà của ông nội

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trẻ Bị Bỏng