GS Lê Thị Quý: “Phụ nữ làm lãnh đạo, họ phải đánh đổi hạnh phúc gia đình”

Ngày 20/10/2017 08:46 AM (GMT+7)

So với nam giới, khi phụ nữ làm lãnh đạo họ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, từ định kiến trong xã hội cho đến những va chạm trong cuộc sống hàng ngày.

Phụ nữ làm lãnh đạo luôn bị thua thiệt

GS Lê Thị Quý – Viện trưởng Viện nghiên cứu giới và Phát triển cho biết, phụ nữ khi làm lãnh đạo không bao giờ là điều dễ dàng và họ luôn bị thua thiệt với nam giới, kể cả khi họ có trình độ cao hơn.

GS Quý lý giải, nguyên nhân chính xuất phát từ định kiến xã hội khi trong suy nghĩ của mọi người luôn cho rằng: “Nam giới mới là người lãnh đạo, phụ nữ chỉ là người thừa hành chứ không phải người lãnh đạo”.

GS Lê Thị Quý: “Phụ nữ làm lãnh đạo, họ phải đánh đổi hạnh phúc gia đình” - 1

GS Lê Thị Quý cho rằng phụ nữ khi làm lãnh đạo luôn bị thua thiệt so với nam giới.

Tính đến hết tháng 8/2017, ở Việt Nam có 11/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nữ cán bộ đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo chủ chốt (giảm  so với năm 2016).

Có 16/63 địa phương có nữ lãnh đạo chủ chốt (gồm 1 địa phương có nữ giữ chức danh Chủ tịch UBND tỉnh và 15 địa phương có nữ giữ chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh), chiếm tỷ lệ 25,39%.

Qua trải nghiệm thực tế và các nghiên cứu của mình, GS Qúy thẳng thắn nhìn nhận: “Khi phụ nữ làm lãnh đạo trong một cơ quan nào đó, những người nam giới dưới quyền thường không thoải mái. Khi người phụ nữ quyết định một việc gì đó, một số người lại cho rằng “gà mái, gáy thay gà trống” và không thực hiện quyết định đó đến nơi đến chốn.

Hay thậm chí, chính những người phụ nữ với nhau, họ cũng ghen tị và cho rằng: cùng là phụ nữ với nhau, sao họ lại lãnh đạo mình”.

Không chỉ có vậy, một người phụ nữ khi làm lãnh đạo, nếu xảy ra sự việc gì đó thường hay bị “ném đá” nhiều hơn là nam giới làm lãnh đạo. 

Ví dụ gần đây nhất là sự việc một nữ lãnh đạo của phường Văn Miếu lùm xùm xung quanh việc làm giấy báo khai tử, hay sự việc nữ chủ tịch UBND một xã ở Thanh Hóa đi bè trong mùa nước lũ… đều bị dư luận xã hội lên án rất gay gắt.

GS Lê Thị Quý: “Phụ nữ làm lãnh đạo, họ phải đánh đổi hạnh phúc gia đình” - 2

Khi xảy ra sự việc gì đó, người phụ nữ làm lãnh đạo thường bị lên án hơn là nam giới.

“Chưa cần biết sai đúng ra sao, nhưng trong những trường hợp trên nếu đó người đó là nam giới thì chắc chắn câu chuyện sẽ trôi đi rất nhanh, nhưng do người lãnh đạo là nữ giới nên họ càng bị lên án mạnh mẽ.

Lý do đơn giản vì người dân luôn tin vào năng lực lãnh đạo, khả năng lãnh đạo và sức mạnh lãnh đạo của người nam giới hơn phụ nữ”, GS Qúy nói.

Phụ nữ phải đánh đổi rất nhiều khi làm lãnh đạo

GS Qúy cho rằng, tư tưởng nam giới làm trụ cột, là bộ mặt của cả gia đình đã ăn sâu vào suy nghĩ của người dân Việt Nam. Vì thế, khi người chồng làm lãnh đạo, người vợ luôn cảm thấy hãnh diện.

Còn khi người vợ làm lãnh đạo thì người chồng lại không thoải mái, ngược lại họ cảm thấy tự ái, tự ti và cho rằng mình kém cỏi.

GS Lê Thị Quý: “Phụ nữ làm lãnh đạo, họ phải đánh đổi hạnh phúc gia đình” - 3

Phụ nữ làm lãnh đạo đôi khi phải đánh đổi cả hạnh phúc gia đình.

“Với những gia đình có chồng làm lãnh đạo, khi đi làm về người chồng không phải làm gì hết và sẵn “cơm bưng nước rót”. Còn đối với những gia đình người vợ làm lãnh đạo, về nhà họ vẫn phải lo chăm con cái, nấu cơm, làm những việc vặt trong gia đình…

Thậm chí khi sơ xẩy một chút, người vợ này sẵn sằng bị chồng “trút giận” lên người, hay khi người vợ đi họp về muộn một chút, người chồng sẵn sàng miệt thị và có những lời nói khó nghe”, GS Qúy nói.

Chính vì những lý do đó, nhiều người phụ nữ khi được đề bạt làm lãnh đạo, họ sẽ phải đặt lên “bàn cân” giữa một bên là sự nghiệp, một bên là hạnh phúc gia đình. “Thực tế, phần lớn những người phụ nữ phải chấp nhận hy sinh sự nghiệp để giữ lấy hạnh phúc gia đình”, GS Qúy nhận định.

GS Lê Thị Quý: “Phụ nữ làm lãnh đạo, họ phải đánh đổi hạnh phúc gia đình” - 4

Nhiều người phụ nữ làm lãnh đạo phải đánh đổi rất nhiều thứ. Ảnh minh họa.

Để thay đổi được điều này, mọi người nên thay đổi từ nhận thức đến tư duy, không nên đổ lên vai người phụ nữ là phải hoàn hảo cả về gia đình và sự nghiệp, điều đó dường như là không thể.

Đó cũng chính là lý do vì sao sự nghiệp lãnh đạo của những người phụ nữ rất ngắn ngủi, vì họ không nhận được sự đồng thuận, không vượt qua được định kiến.

“Chúng ta cần phải thay đổi từ nhận thức đến tư duy khi phụ nữ làm lãnh đạo, vì thực tế rất nhiều người phụ nữ rất giỏi và có năng lực thật sự. Nhưng chỉ vì những định kiến mà họ không có khả năng thể hiện năng lực bản thân”, GS Qúy cho hay.

>> Xem thêm: Sự thật bức ảnh cán bộ phường mặc váy, đứng trên bè cho dân kéo khi đi thị sát

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h