Thắt nút dây rốn: Nhìn thì lạ nhưng cực nguy hiểm với thai nhi

Ngày 18/08/2017 16:44 PM (GMT+7)

Thắt nút dây rốn ảnh hưởng cả quá trình mang thai lẫn quá trình chuyển dạ.

Dây rốn là sự sống của thai nhi vì nó vận chuyển oxy và dinh dưỡng từ nhau thai tới bào thai. Tuy nhiên nếu dây rốn thắt nút lại sẽ có nguy cơ tới thai nhi, gây mất tim thai. Mặc dù ảnh hưởng lớn nhưng hiện nay, việc chẩn đoán dây rốn thắt nút lại cực kỳ khó khăn, thường chỉ chẩn đoán được sau khi sinh.

Dưới đây, Ths. BS Đoàn Thị Phương Lam – Phó trưởng khoa đẻ, Bệnh viện Phụ sản Trung Ương sẽ có những chia sẻ rõ hơn về hiện tượng này.

Thắt nút dây rốn: Nhìn thì lạ nhưng cực nguy hiểm với thai nhi - 1

 Tỉ lệ mắc dây rau thắt nút qua tài liệu nghiên cứu, hồi ký nước ngoài chiếm 0,3 – 1,3%. 

Nguyên nhân gây thắt nút dây rốn

- Bác sĩ có thể cho biết nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thắt nút dây rốn thai nhi được không?

Thắt nút dây rốn hay còn gọi là dây rau thắt nút vô cùng nguy hiểm, không chỉ trong quá trình mang thai mà còn nguy hiểm trong cả quá trình sinh.

Hiện nay, ở Việt Nam chưa có nghiên cứu, thống kê về nguyên nhân của hiện tượng dây rau thắt nút nhưng theo tất cả các tài liệu nghiên cứu của nước ngoài thì không thể chuẩn đoán trước sinh hiện tượng này, tỉ lệ mắc dây rau thắt nút qua tài liệu nghiên cứu, hồi ký nước ngoài chiếm 0,3 – 1,3%.

- Vậy những yếu tố nào có thể khiến dây rốn thắt nút?

Có một số yếu tố nguy cơ có thể gây dây rau thắt nút như chửa đa thai, đa ối, thai suy dinh dưỡng có thể di chuyển hoặc có thể làm ảnh hưởng hay tiền sử sảy thai nhiều lần cũng có nguy cơ gây ra.

Cách phát hiện dây rốn thắt nút

- Làm thế nào để bà mẹ có thể phát hiện được dây rau thắt nút thưa bác sĩ?

Chuẩn đoán khả năng thai phụ bị dây rau thắt nút có thể qua gợi ý từ siêu âm 4D, không phải siêu âm 2D, khi thấy dòng chảy dây rau rốn cuộn thành hình vòng tròn.

Tuy nhiên, hiện tượng này khó phân biệt ở những quý sau bởi nhiều trường hợp dây rau dài tự chạy vòng tròn, nhìn tưởng dây rau thắt nút nhưng thực tế nó cuộn vòng tròn thôi. Đó là những trường hợp dây rau dài có thể chuẩn đoán nhầm trong quá trình siêu âm 4D.

- Dây rau thắt nút ảnh hưởng như thế nào đến mẹ và bé thưa bác sĩ?

Ảnh hưởng nguy hiểm nhất của dây rau thắt nút là trong quá trình mang thai, nếu em bé nghịch, quậy nhiều sẽ làm cho nút thắt chặt lại. Điều đó làm ảnh hưởng trao đổi máu mẹ với máu con, có thể làm mất tim thai bất kỳ lúc nào.

Còn trong quá trình chuyển dạ nguy cơ này càng cao, khi đầu thai nhi quay xuống, lúc đó dây rốn cũng kéo xuống và sẽ dần dần gây thắt nút chặt hơn, có thể gây tử vong em bé trong quá trình chuyển dạ.

Tuy nhiên, trong trường hợp dây rau dài không ảnh hưởng bởi có trường hợp chúng tôi chứng kiến em bé sinh ra mới phát hiện dây rau thắt nút. Bản thân dây rau dài nên khi di chuyển, đầu thai nhi xuống cũng không làm cho nút thắt lại.

Thắt nút dây rốn: Nhìn thì lạ nhưng cực nguy hiểm với thai nhi - 2

Nếu siêu âm 4D nghi ngờ dây rau thắt nút, bà bầu phải một tuần đi siêu âm 4D lại một lần. (Ảnh minh họa)

Những lưu ý khi bị dây rốn thắt nút

- Khi phát hiện dây rau thắt nút, các bà mẹ cần lưu ý những gì để thai nhi an toàn?

Nếu siêu âm 4D nghi ngờ dây rau thắt nút, bà bầu phải một tuần đi siêu âm 4D lại một lần, đo Doppler động rốn và xác định dòng chảy để biết nút buộc đó có thắt chặt lại không bởi khi nút buộc thắt chặt lại thì dòng chảy sẽ nhỏ dần đi.

Kèm theo đó, bà bầu cần theo dõi tim thai để xác định nguy cơ nguy hiểm với em bé lúc nào. Thông thường 3 tháng cuối, nếu tiên lượng em bé sống được thì mới theo dõi sát sao. Còn trước đó thắt nút khiến mất tim thai cũng không mổ hay cấp cứu.

- Bác sĩ có thể chia sẻ về những trường hợp dây rau thắt nút mà mình từng gặp được không?

Tôi đã gặp 3 trường hợp dây rau thắt nút, trong đó có 2 trường hợp là bệnh nhân của tôi. Có thể nói trường hợp này rất hiếm, gần như không ai chuẩn đoán ngay từ đầu để biết ước lượng tỉ lệ bao nhiêu phần trăm.

Trường hợp đầu, bệnh nhân mang thai được 8 tháng, sáng đi khám nghe tim thai vẫn còn nhưng chỉ 2 tiếng sau quay lại nghe tim thai không còn nữa. Trường hợp bệnh nhân này bị rau tiền đạo nên bắt buộc chúng tôi phải mổ lấy thai mặc dù tim thai không còn.

Khi mổ ra, chúng tôi mới phát hiện nguyên nhân là dây rau thắt nút. Đó là lý do vì sao chúng ta không thể chuẩn đoán sớm và không biết cách để giải quyết. Các trường hợp rau tiền đạo có triệu chứng rõ ràng còn trường hợp này nhiều khi bất khả kháng.

Trường hợp thứ 2 tôi gặp là khi đỡ đẻ cho một sản phụ. Trường hợp này là sinh thường, khi em bé chào đời mới nhìn thấy dây rau thắt nút. Tuy nhiên, em bé an toàn chào đời chính là do dây rốn người mẹ dài.

- Dây rau thắt nút có phải là một trong những nguyên nhân gây suy dinh dưỡng bào thai không?

Đây không phải nguyên nhân gây suy dinh dưỡng bào thai bởi một khi suy dinh dưỡng, bào thai sẽ hỏng ngay. Suy dinh dưỡng trong bào thai có nhiều nguyên nhân khác nhau.

Xin cảm ơn bác sĩ!

Hồng Nhung
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các kiến thức khác